Đi dọc sông Mã - Ký sự

arsenal

Thành viên mới
Đi dọc sông Mã
Sông Mã, tiếng Việt – Mường cổ gọi là sông Mạ, có nghĩa sông mẹ, tổng chiều dài 512km. Khởi nguồn từ Điện Biên, qua tỉnh Sơn La, chảy qua Bắc Lào rồi đổ vào tỉnh Thanh Hoá, ra Biển Đông qua cửa chính là cửa Hới (Sầm Sơn) và hai cửa phụ là cửa Lèn và cửa Lạch Trường. Sông Mã tạo nên đồng bằng Thanh Hoá lớn thứ ba Việt Nam.
Kỳ 1: Lần lên tìm đầu nguồn
Trước khi đi, tôi hỏi thằng con trai đang học lớp chín, sông Mã ở đâu? Câu trả lời gọn ơ: không biết! Té ra cũng không nên trách kiến thức địa lý của lớp chín phổ thông, vì khi hỏi một đồng nghiệp ở Điện Biên, tôi cũng nhận được hồi đáp lửng lơ rằng, nghe nói nó (sông Mã) bắt nguồn từ đây, chẳng rõ cụ thể là đâu, hình như là ở thung lũng Mường Thanh.
Mái tóc, một nét đẹp của các cô gái Lào ở đầu nguồn sông Mã
Bất ngờ Nậm Hon
Chúng tôi quyết định bắt đầu từ Tuần Giáo, dưới chân đèo Pha Đin phía Điện Biên, vì nhìn thấy trên bản đồ vệt xanh mờ xuất phát từ đây trước khi nó đậm nét ở Sơn La và được ghi rõ tên là sông Mã.
Ngược đường Tuần Giáo sang Lai Châu chừng năm cây số, dưới chân đèo Hoa, nhìn về bên phải là một thung lũng trải dài những thửa ruộng bậc thang, nằm kẹp giữa hai dãy núi. Đi bộ ra giữa cánh đồng thì gặp dòng suối xuôi chảy về phía Tuần Giáo. Ghé một nhà sàn hỏi thăm thì biết, đây là Bản Phủ, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Ông chủ nhà Lò Văn Cu, 62 tuổi, người Thái, cũng chỉ biết con suối Nậm Hon này đổ nước vào sông Nậm Núa, còn từ đó nó đi tiếp đâu thì ông cũng không biết.
Đang loay hoay tìm quán nước, chợt có một anh trung niên mời chúng tôi vào nhà uống trà. Khi biết mục đích cuộc tìm kiếm của chúng tôi, chủ nhà nói, các anh đã tìm đúng hướng. Làm cán bộ tuyên huấn huyện hơn 20 năm, lại là người Thái, anh Lò Văn An thuộc hết sông, suối, núi, rừng của Tuần Giáo như cây trong vườn nhà. Suối Nậm Hon bắt nguồn từ thác Bản Phủ, ngược lên chừng ba cây số. Khi xuôi về phía Điện Biên chừng bảy cây số thì Nậm Hon gặp dòng suối thứ hai, là Nậm Sát, từ Mường Thính chảy ra, góp nước vào. Đi tiếp đến cây số 16 thì gặp dòng suối thứ ba là Nậm Cô, đổ xuống từ Mường Ảng. Bắt đầu từ đây, suối lớn thành sông. Sông ngoặt hướng đông nam, chảy qua Búng Lau, đổ vào địa phận Sơn La, có tên mới là Nậm Núa. Nâm Núa tiếp tục xuôi về nam, đến ngã ba Pắc Ma thì gặp dòng thứ hai từ huyện Điện Biên Đông chảy sang. Bắt đầu từ điểm hợp lưu này, con sông Mã chính thức thành tên.
Để chắc ăn, chúng tôi tìm đến thung lũng Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên, tận mắt thấy con sông chảy dọc thung lũng có tên là Nậm Rốm. Hoá ra Nậm Rốm chẳng dính líu gì với sông Mã, nó cũng sang Lào, qua Mường Mẩy, đổ vào sông Nậm U ở ngã ba Sop Ạt, đi tiếp theo hướng tây nam và đổ vào sông MeKong tại ngã ba Pạc U, tỉnh Luang Prabang…
Đầu nguồn thứ hai
Một nhánh đầu nguồn khác của sông Mã được xác định từ Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Từ thị trấn, sau bảy cây số dốc núi thì con đường gặp dòng suối Lư cắt ngang. Để đi tiếp, chúng tôi phải thuê một xe công nông cải tiến. Ngoài phương tiện này, chỉ có thể đến Mường Luân bằng cách cuốc bộ. Nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, chiếc xe cải tiến này cũng phải chịu nằm đường. May mắn là trời không mưa. Dù thế, chúng tôi vẫn phải xuống xe để đi bộ nhiều đoạn. Gần toàn bộ cung đường này treo trên những triền núi đất cheo leo, men bên những vực sâu cả trăm mét, đầy những vũng lầy, nên chúng tôi phải mất hơn bốn giờ cho đoạn đường chỉ 23km.
Con đường rừng vẫn men theo dòng suối Lư len lỏi qua các hẻm núi. Bắt đầu từ cầu treo Pa Pạt, suối mới hiện dần thành sông, dốc chảy ầm ầm trong vô vàn ghềnh đá.
Bất ngờ với chúng tôi, Mường Luân là một bản Lào.
Ngôi tháp cổ ở Mường Luân, một trong bốn ngôi tháp cổ nhất nước ta
Hơn bốn thế kỷ định cư
Theo lịch cổ của người Lào, thời điểm hiện tại đang là tháng 10. Tết lúa mới bắt đầu vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 10 và kéo dài trong bảy ngày. Trong bảy ngày tết ấy, mỗi gia đình người Lào tự chọn cho mình một ngày mà họ cho rằng đó là ngày tốt, không mắc phải những điều kiêng kỵ, để làm lễ cúng. Người Lào Mường Luân sống chủ yếu từ việc canh tác lúa nếp nương, mỗi năm hai vụ. tết lúa mới là vào vụ thu hoạch đầu tiên, có ý nghĩa mừng được mùa và cầu phúc cho vụ sau. Đây cũng là dịp người sống dâng lễ vật khao đãi tạ ơn ma nhà (tổ tiên và những người quá cố trong họ tộc).
Sự có mặt của người Lào ở Mường Luân bắt đầu từ gần cuối thế kỷ 16.
Bằng chứng là ngôi tháp cổ nằm ngay đầu bản. Tháp Mường Luân là một trong bốn ngôi tháp cổ nhất nước ta (ba tháp còn lại là tháp Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu, tháp Phổ Minh, Nam Định và tháp Bình Sơn, Vĩnh Phúc). Tháp được xây dựng vào khoảng những năm 1570 đến 1590. Đây là thời kỳ nước Lào bị Miến Điện xâm lược, khiến một số dân Lào tản cư sang các nước Đông nam Á lân cận, họ đã đến Mường Luân và định cư lâu dài cho đến ngày nay.
Nhan sắc… tóc
Trong bảy ngày tết lúa mới, hầu như đêm nào nhà văn hoá cộng đồng của bản cũng diễn ra các cuộc tụ tập đốt lửa và múa hát tận khuya. Sinh hoạt hội hè này hình như chính yếu là dành cho nữ giới, sau đó là trẻ em. Thanh niên trai tráng cũng có đến, nhưng họ chỉ đứng ở vòng ngoài một lúc rồi tản về các nhà để uống rượu.
Không chỉ những cô, những chị trong đội múa của bản mà tất cả chị em đến dự đêm hội đều có mái tóc được chải, vấn một cách công phu, cầu kỳ và thật đẹp. Hỏi các chị đã ngoài 40, làm sao để giữ được mái tóc đen nhánh, dài chấm gót và óng mượt đến thế? Tất cả đều cho biết, chỉ nhờ nước gạo. Nước vo gạo được họ ủ chua từ hai đến năm ngày tuỳ vào mùa nóng hay mùa lạnh thì sẽ thành một thứ thuốc dưỡng tóc. Sau chừng nửa giờ gội ủ, tóc được xả thật sạch bằng nước sông.
Với các cô gái Lào, mái tóc không chỉ biểu hiện nét nhan sắc mà còn là nét công dung ngôn hạnh hàng đầu…
BÀI: NGUYỄN TRỌNG TÍN
ẢNH: TRẦN VIỆT ĐỨC
 

arsenal

Thành viên mới
Kỳ 2: Vùng đất mang tên sông
SGTT - Từ Mường Luân, chúng tôi tiếp tục xuôi sông xuống huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Đoạn sông đầu nguồn này đầy ghềnh thác, không thuyền bè nào có thể xuôi dòng.
Chặng đường phải đi dài trên dưới 70km, chỉ duy nhất một lối mòn men triền núi dọc theo sông. Từ Mường Luân sẽ qua Phá Thẹ, Pắc Ma, Bản Pó, Mường Nưa, Nà Dìa, Chiềng Sơ… Nhưng hỏi cả bốn chàng trai Lào đồng ý đưa chúng tôi đi bằng bốn xe máy, thì vẫn chưa ai trong số họ từng đi một mạch hết cung đường này.
Nơi đầu nguồn sông Mã, nhánh xuất phát từ Tuần Giáo (Điện Biên)
Cộng cư nhiều dân tộc
Nếu không phải dân ở đây, dù có được cho xe, ta cũng không tài nào đi nổi trên cung đường này. Lối mòn men theo bờ vực lúc thì lởm chởm đá tảng, lúc lại trơn tuột những triền núi đất. Hết dốc ngược như đi lên trời, lại cắm đầu xuống thung sâu, nhiều lần phải xuống xe đi bộ vì sợ lộn nhào. Nhưng cảnh sắc thì quá sức ngoạn mục và hùng vĩ. Núi tiếp núi trùng điệp. Dòng sông đoạn nào cũng gầm réo thác ghềnh với những cô nàng người dân tộc thong thả ra sông tắm trần như tiên nữ. Đang ở đỉnh dốc nắng chói chang, thoắt đổ dốc lại chui vào mây luồng mịt mờ khí lạnh.
Giữa trưa chúng tôi mới tới được ngã ba Pắc Ma, nơi gặp nhau của hai dòng đầu nguồn từ Tuần Giáo chảy sang và từ Mường Luân chảy xuống. Bắt đầu từ điểm hợp lưu này, con sông Mã chính thức có tên trên bản đồ.
Cung đường vừa qua chỉ 15 cây số mà có đến gần chục dân tộc sinh sống: Phù Lá, Khơ Mú, Lào, Mường, Xinh Mun, Thái, H’mông…
Đoạn sau ngã ba Pắc Ma, núi hạ thấp dần độ cao, sông đã trở nên rõ nét với những chuyến phà ngang. Buổi trưa, chúng tôi dừng nghỉ một quán bên đường tại chợ Mường Nưa, xã Mường Lầm, thuộc huyện Sông Mã. Một tốp đông các cô gái H’mông sặc sỡ áo váy đi chợ, ghé quán ăn trưa. Một đặc điểm riêng biệt của người H’mông là bản làng của họ luôn ở tít tận trên các đỉnh núi cao, mỗi lần xuống chợ để mua bán hàng hoá, họ phải đi cả ngày đường và thường đi theo từng tốp đông đảo.
Ngôi nhà của ma
Ten Ư là tên của cả rặng núi, thuộc xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã. Chúng tôi quyết định lên núi khi biết trên đó có quần thể hang động còn trong hoang sơ. Không ngờ trên đỉnh núi là một cao nguyên nhỏ với một bản H’mông trù mật, xanh um nương sắn, nương ngô, những vườn cây ăn trái. Đang mùa đi nương, cả bản không bóng người. Người H’mông có thói quen đi nương cả nhà, trẻ con chưa biết đi thì mẹ địu trên lưng. Rất may cho chúng tôi là một trong ba anh xe ôm đã có lần lên hang, dù cách nay đã mấy năm. Lội bộ vượt qua một trái núi đất đã thành nương sắn. Lại tiếp trái núi thứ hai là một rừng tre hoang, phải len lỏi từng bước. Hơn một giờ thì chúng tôi cũng tới được hang. Cửa hang rộng hơn sải tay, ăn sâu hút xuống lòng núi. Trước miệng hang có ai đó đặt tấm liếp nhỏ bằng tre đan trên bốn chân cọc. Bên cạnh dựng một ống nứa đựng nước và trên liếp còn rủ đống xương gà. Người ta cúng ma đấy, anh xe ôm nói. Theo quan niệm của người H’mông thì những hang động này là nhà ở của hồn ma, nên khi lên rừng lấy gỗ, đào củ, bẻ măng… họ vẫn mang theo thức ăn, nước uống cúng ma để xin phép vào rừng.
Nương theo hai thân tre chừng 3m, chúng tôi tụt xuống hang. Bên ngoài trời đang 36 độ mà trong hang khí lạnh sởn da, rất khó thở, bật quẹt không cháy được. Đi qua đoạn hẹp chừng hơn 10m thì hang đột ngột rộng ra chừng 50m, sâu hun hút. Qua ánh đèn pin, vòm cao hơn chục mét với vô vàn thạch nhũ mang đủ hình người và quái thú. Càng đi sâu vào hang, càng dễ thở dần. Nghe nói ở cuối hang có khoảng trống nhìn thấy trời trên đỉnh núi. Nhưng lần dò đi sâu chừng hơn 200m, chúng tôi quyết định trở ra vì… sợ.
Trên đường về chúng tôi gặp được trưởng bản Vừ A Súa. Ông Súa cho biết cả dãy núi này có đến 36 hang. Hang mà chúng tôi vừa xuống là hang Cau Liêu (tiếng Thái là quả chanh). Cau Liêu chỉ là hang trung bình. Hang lớn nhất là hang Thám Báo, trong hang còn có cả một thửa lúa nương…
Sông Mã thành Nậm Mã
Sau cầu phao Mường Nưa, chúng tôi còn phải một lần sang ngang sông Mã bằng đò tại bản Nà Dìa, xã Yên Hưng. Tay lái của mấy anh bạn Lào như làm xiếc khi đưa xe xuống con đò gỗ mong manh. Cô lái đò Hoàng Thị Viên, người Thái, cho biết, cô không phải là người lái đò chuyên nghiệp. Con đò là tài sản chung của bản. 38 gia đình trong bản cứ luân phiên nhau mỗi nhà chở đò một ngày. Lệ tục đẹp đẽ này truyền nối ở bản Nà Dìa đã bao đời nay.
Từ sau bến đò Nà Dìa, con sông Mã bắt đầu từng lúc rời bỏ những vách núi dựng đứng để trải ra những bãi bờ phù sa xanh mướt, những cánh đồng bậc thang, những nương ngô, những vườn vải thiều…
Và khi mặt trời khuất núi chúng tôi cũng may mắn kết thúc cuộc hành trình về đến thị trấn Sông Mã. Đây là vùng đất duy nhất mang tên con sông này. Thị trấn nhỏ nhoi nằm trọn trong thung lũng núi ở độ cao hơn 1.500m. Thị trấn bên bờ sông mà không một bến thuyền. Còn cầu treo nối đôi bờ, trên thực tế là treo lơ lửng ngang hẻm núi.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Huy Thiệp từng có hơn chục năm dạy học ở miền núi heo hút này. Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ và nhiều truyện ngắn có bối cảnh miền núi đều được ông thai nghén từ đây. Chúng tôi thử đi tìm hỏi xem bản Hua Tát ở đâu, thì hoá ra nó chỉ có trong trí tưởng tượng của tác giả.
Chảy qua thị trấn chừng 30km, đến Chiềng Khương thì sông Mã đổ vào đất Lào và có tên là Nậm Mã.
BÀI: NGUYỄN TRỌNG TÍN
ẢNH: TRẦN VIỆT ĐỨC
 

arsenal

Thành viên mới
Kỳ 3: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm
SGTT - Từ thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã – Sơn La), sông Mã chảy về hướng tây chừng 30km đến cửa khẩu Chiềng Khương để đổ vào đất Lào. Từ đây sông Mã có tên Nậm Mã. Câu chuyện một bản làng bên bờ Nậm Mã, trăm năm với nghề dệt vải nối tiếp hành trình của dòng sông trên đất Lào.
Trước một cua quẹo lưng chừng núi trên đường từ Sốp Bâu đi Sắp Hao, nhìn xuống bờ sông là một bản nhà sàn rất đẹp, trông trù phú và cổ xưa.
Bố là Bi Bon
Từ người già đến các cô gái trẻ, ai cũng rành rẽ nghề dệt vải Ảnh: Trần Việt Đức
Buổi trưa. Bản vắng lặng, nghe rõ tiếng khung cửi lách cách dệt vải dưới nhà sàn. Khi chúng tôi ghé lại chụp ảnh, quay phim, các bà, các chị đang dệt niềm nở hỏi han, nhưng chúng tôi không biết gì, chỉ nói được “Việt Nam, Việt Nam”, khiến khách và chủ chỉ nhìn nhau cười. Mấy người trai tráng gùi đầy bầu bí, tay cầm những xâu bắp, họ đi nương về, tò mò ghé xem. Đồng nghiệp Việt Đức nỗ lực “trò chuyện”, chỉ tay vào miệng đang há lớn, rồi chỉ vòng quanh mọi người, “Việt Nam, Việt Nam?...” Thế mà có người hiểu ra. Người này chạy vội một lúc rồi dẫn đến một ông già. Chỉ vào ông già anh ta cũng hô lớn, “Việt Nam, Việt Nam!” Như chìm xuồng vịn được cọc, cả ba chúng tôi xúm vô ông già hỏi đủ thứ. Ông già bối rối thấy rõ, lắp bắp một lúc chỉ nói được: “Bố là Bi Bon, bố chào các con!”
Thế là chúng tôi theo về nhà bố Bi Bon. Cho đến lúc đã ngồi bình tĩnh giữa nhà sàn uống “rượu ngâm con ong của bố”, câu chuyện vẫn cứ ngắc ngứ. Xem ra ông cụ có vẻ hiểu được những câu hỏi của chúng tôi, nhưng không trả lời được bao nhiêu. Sau một hồi tìm kiếm trong mớ sách vở lộn xộn, ông già mang ra cuốn sách mỏng Tự học tiếng Việt, vừa trò chuyện, vừa tra sách.
Đã 74 năm sống trên đời, bố Bi Bon biết được Việt Nam gần lắm, chỉ ở cuối Nậm Mã này thôi, nhưng chưa một lần nào qua đó. Cách đây 21 năm, có toán công nhân Việt Nam qua làm đường, vì mến họ vui tính, ông lân la học lóm tiếng Việt rồi mua cuốn sách mỏng này về tự học thêm, thế là có được ngoại ngữ, để hôm nay làm thông dịch cho chúng tôi.
Dệt vải thời trang
Dẫn chúng tôi một vòng quanh bản, bố Bi Bon giới thiệu với mọi người: “Các con bố đấy, từ Việt Nam sang đấy!”
Dân bản Khăm Khăm sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, trồng nếp nương, trồng bông, ngô, sắn, chăn nuôi gia súc, chủ yếu là trâu. Nhưng phụ nữ Khăm Khăm còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Không như phụ nữ ở những bản Lào khác, cũng giỏi nghề dệt nhưng chủ yếu là để làm đẹp cho mình, cho họ tộc nhà chồng, thì ở đây, hơn trăm năm qua, phụ nữ bản là những nghệ nhân chuyên sản xuất và cung cấp mặt hàng váy Lào “fashion” cho thị trường Sầm Nưa và cả Viêng Chăn. Cũng là khung dệt thủ công bằng gỗ tự chế, nhưng những cô bé mười, mười hai tuổi ở bản này đã có thể dệt được những tấm váy 1,7 x 0,8m với rực rỡ màu sắc, hoa văn, không tấm nào giống tấm nào. Theo bố Bi Bon một vòng qua 74 nóc nhà, thì ít nhất dưới sàn mỗi nhà cũng có từ 1 – 4 khung dệt. Một cô bé vừa đi học vừa dệt, cũng chỉ trong ba ngày là được một tấm váy, giá hiện tại khách đặt và đến tận bản nhận là 40.000 kíp/tấm. Chúng tôi nhờ bố Bi Bon hỏi mua vài tấm về làm kỷ niệm. Ông lắc đầu: “Không bán được, vải mình dệt nhưng là của người ta mua rồi”.
Hoa đẹp Chămpa…
Làng dệt vải trăm năm trên đất Lào, cung cấp vải thời trang cho thị trường Viêng Chăn Ảnh: Trần Việt Đức​
Chúng tôi nhận lời ăn cơm trưa tại nhà bố Bi Bon. “Chỉ có cơm thôi, không có nhiều đồ ăn. Người Lào ít ăn con thú lắm”, nói thế nhưng ông già vội vã xuống bếp cùng bà vợ lo bữa ăn. Hai vợ chồng ông già đang sống cùng vợ chồng người con cả. Cô con dâu đi nương, các cháu đều đi học đến chiều mới về. Chỉ còn lại nhà anh con cả. Hỏi ra mới biết, anh con cả chính là trưởng bản Khăm Khăm, vì buổi sáng có cán bộ trên huyện xuống bản, nên anh không đi nương với vợ. Trưởng bản Poong Chăm đã 45 tuổi, sáu con mà trông còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, lui cui giúp mẹ và bố làm bếp, chốc chốc lại lên nhà trên cười hiền khô.
Bữa cơm dọn ra, những thanh niên đến chơi cũng thành khách. Mấy anh thanh niên thì thào trao đổi một lúc, người thanh niên được giới thiệu là con rể ông già, tên Khăm Đen, vội chạy về nhà mang đến hũ rượu cần gần một vòng tay ôm. Ghè rượu bằng đất nung, sứt miệng, ám khói trông cũ càng. Sau khi cạy nút đậy bằng đất nhồi trấu, đổ đầy nước vào, vì là khách nhiều tuổi nhất nên tôi được bố Bi Bon mời cùng vít cần trước tiên. Đang trong cái nắng 37 độ, dòng rượu đẫm ngọt lan toả cái mát lạnh khắp cả người. Buông cần ra, chợt thấy từ mặt người cho đến mọi vật bỗng bừng sáng lóng lánh. Cũng từng nếm qua rượu cần của người Ê Đê, Ba Na Tây Nguyên; người Mường Hoà Bình, tôi vẫn chưa thấy đâu có rượu cần ngon thế này, “hiệu quả” thế này…
Sau lần vít cần thứ ba, già Bi Bon vào buồng đem ra cây khèn. Sau một phút im lặng như nhập đồng, ông già bắt đầu thổi. Tiếng khèn làm cả cuộc vui lặng phắc, ngẩn ngơ. Mãi chiều muộn chúng tôi mới rời được bản Khăm Khăm trong lưu luyến bắt tay, vái chào những con người hồn hậu, trong trẻo và mến khách này.
Trước mặt là con sông Nậm Mã. Chúng tôi đang xuôi dòng về phía Việt Nam, về với nhà mình. Thế nhưng ra đi mà có cảm giác mình đã để lại tại bản Lào trăm năm này một cái gì đó vô hình nhưng thật đáng quý...
NGUYỄN TRỌNG TÍN
 

arsenal

Thành viên mới
Kỳ 4: Bè xuôi sông Mã
SGTT - Có lẽ trong vài chục năm trở lại đây, nhiều người Việt biết đến con sông Mã là nhờ vào hai câu thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” và “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn thế, tre luồng không chỉ là nguồn sống chủ yếu, nó còn hiện diện trong mọi chi tiết sống của đồng bào Mường. Trần Việt Đức
Khi về lại Việt Nam, con sông Mã chảy vào cửa khẩu Mường Lát, huyện miền tây của tỉnh Thanh Hoá.
Rừng luồng lớn nhất Việt Nam
Mường Lát, cùng với huyện Quan Hoá kề cận, thêm vào một phần của huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, đã tạo nên một vùng rừng tre luồng lớn nhất Việt Nam, rộng hơn 60.000ha, nằm ngay thượng nguồn của dòng sông Mã. Đây cũng chính là nơi trung đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947, mà từ đó bài thơ của Quang Dũng ra đời.
Cư ngụ trên khu vực miền cao này phần lớn là đồng bào dân tộc Mường. Từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn thế, tre luồng không chỉ là nguồn sống chủ yếu, nó còn hiện diện trong mọi chi tiết sống của đồng bào Mường, từ những chiếc coọng (xa quay) đưa nước lên nương cao, chiếc cối giã gạo bằng sức nước...
Do địa thế núi rừng quá hiểm trở nên đoạn sông Mã từ Mường Lát chảy về Quan Hoá không có đường bộ đi dọc sông, cũng không thể xuôi sông bằng thuyền bè vì đá ngầm, đá nổi lởm chởm, thác nọ nối thác kia. Chỉ có con đường bộ duy nhất men theo sông Luông, một chi lưu của sông Mã. Nối với sông Mã ở ngã ba Quan Hoá, bắt đầu từ Lào ở cửa Na Mèo, con sông Luông chảy xuyên ngang giữa trung tâm vùng tre luồng lớn nhất Việt Nam này, nó là huyết mạch để cây luồng ra được khỏi chốn rừng sâu hẻo lánh, núi non chớn chở. Nhưng để đi xa hơn nữa, để ra được tận biển, chính là nhờ vào con sông Mã.
Sông Luông không sâu, lại nhiều ghềnh đá. Cây luồng chỉ có thể xuôi sông vào những tháng mùa mưa nước đầy. Thích nghi với điều kiện thiên nhiên ấy, vòng đời của cây luồng cũng vừa kịp khép kín sau một năm tuổi, khi thân luồng đã già dặn, chắc chắn, đủ cứng cáp để cống hiến cho cuộc sống con người, cũng đúng vào những tháng mưa. Và, cứ như tạo hoá cũng thấu hiểu được cảnh huống sống của con người, cứ từng chặng một, sông Luông có những khoảng rộng bất ngờ. Dân đi luồng gọi đây là những búng nước. Búng nước là những địa điểm lý tưởng để cây luồng tập kết đến đây mà kết bè.
Nghề can trường
Kết bè luồng là một nghề không phải ai cũng làm được. Nhưng, lái bè mới chính là một nghề chỉ dành cho những đấng nam nhi can trường. Có thể nói mỗi chuyến xuôi bè là một cuộc vật lộn với sông nước. Đây không chỉ là cuộc đọ sức mà còn là cuộc đọ trí, một thách thức của thiên nhiên hoang dã với sức lực và trí thông minh của con người. Ở đây, không phải con người tìm cách để thắng thế trước thiên nhiên, điểm mấu chốt là họ phải có hiểu biết thấu đáo và cả sự nhạy cảm của trực giác, để luôn luôn thích nghi với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh, kể cả những trở chứng thất thường nhất. Sự khôn ngoan này không thể chỉ dựa vào đầu óc, kinh nghiệm của một thế hệ, nó là trí khôn kết tinh từ nhiều thế hệ đi trước truyền nối.
Chẳng hạn như ở đoạn dòng sông đi qua Hang Ma, chỉ cần sự điều khiển không chính xác của lực đẩy một mái chèo, là có thể cả mảng bè phải vướng cạn. Ở đây còn đòi hỏi sự ăn ý tuyệt đối giữa người kết bè và người lái bè. Đi qua những búng nước trên sông Luông, trò chuyện với những người kết bè; đi dọc sông Luông với những người lái bè mới biết, không có một bè luồng nào giống nhau, cả số lượng cây cho mỗi mảng và số mảng cho mỗi bè. Bởi vì, dòng chảy của sông từng mùa, từng ngày và cả buổi sáng, buổi chiều của một ngày cũng không giống nhau, trong khi bè chỉ có thể xuôi được sông là nhờ vào sức nước.
Kết bè luồng là một nghề không phải ai cũng làm được. Ảnh: Trần Việt Đức
Đường về xuôi
Ngã ba, nơi con sông Luông đổ ra con sông Mã nằm kề thị trấn Quan Hoá, là điểm tập kết luồng lớn nhất của toàn vùng, để từ đó cây luồng về xuôi. Dù khi xuôi về đến đây, con sông Mã đã rộng và sâu, nhưng sự hung dữ thác ghềnh của nó thì vẫn chưa hề bớt đi. Để đương đầu với sóng nước sông Mã bắt đầu từ đoạn này, bắt buộc bè xuôi phải đủ lớn, kết lại từ nhiều mảng. Người ta tính toán cho mỗi cuộc xuôi sông không phải là bao nhiêu ngày, mà là con nước sông đang ở vào tình trạng nào. Xuôi, cũng không có nghĩa là thong dong trôi theo dòng chảy của sông. Mỗi cuộc xuôi bè đều phải được dự tính chi li từ thời điểm khởi hành, thuỷ trình cho từng đoạn sông một. Bây giờ dân đi bè đã có được chiếc điện thoại di động. Nhưng qua phương tiện liên lạc hiện đại này cũng chỉ giúp cho người nhà biết là họ đang đến đâu để mà yên tâm chứ cũng không thể biết trước đến khi nào thì kết thúc cuộc thuỷ trình. Bởi vì, sự trở chứng của sông là vô lường.
Với mạng lưới giao thông bộ đang phát triển, cây luồng đang chuyển sang con đường về xuôi theo đường bộ. Có thể dự đoán đến một ngày nào đó sông Mã sẽ không còn bè xuôi. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Song, những ai từng gắn bó với dòng sông này hẳn cũng sẽ có chút ngậm ngùi vì không còn bè xuôi sông Mã...
NGUYỄN TRỌNG TÍN
 

arsenal

Thành viên mới
Kỳ cuối: Nơi sông Mã gặp biển
SGTT - Khi xuôi về giữa đồng bằng Thanh Hoá, còn cách cửa Hới, cửa lớn nhất đổ ra biển Sầm Sơn, chỉ 25 cây số, sông Mã nhận được sự góp nước to lớn từ sông Chu.
Cửa Hội, nơi con sông Mã đổ ra biển
Người Thái gọi là Nậm Sam, tên nguyên gốc trong tiếng Việt là sông Sủ, nhưng thời kỳ người Pháp đô hộ, trong khi đo đạc thiết lập bản đồ, phiên từ âm nói mà họ viết ra thành sông Chu. Đây là dòng phụ lưu lớn nhất của con sông Mã. Điểm hợp lưu của hai con sông lớn nhất xứ Thanh này là ngã ba Giàng, còn gọi là ngã ba Bông. Cả hai con sông đều xuất phát từ độ dốc cao, lưu tốc dòng chảy mạnh, đã tạo ra ở điểm gặp nhau giữa đồng bằng này một vàm sông rộng mênh mông, đầy những xoáy nước. Lại tạo nên ven bờ những bãi bồi phù sa rộng bát ngát, cỏ dại xanh tốt quanh năm, khiến nơi đây trở thành vùng chăn nuôi trâu bò lý tưởng. Đặc điểm địa lý này cho đến ngày nay vẫn còn tạo cho cư dân bên bờ một nghề sinh sống hiếm thấy ở các con sông khác, là nghề vớt củi gỗ bị cuốn trôi về từ thượng nguồn.
Bắt nguồn từ vùng núi Houa, tây bắc tỉnh Sầm Nưa nước Lào, ở độ cao trên 2.000m, sông Chu đi qua 325km thì về đến đây gặp sông Mã, phần chảy trên đất Việt Nam là 160km, qua hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. Do độ dốc chảy cao, lòng sông hẹp lại nhiều thác ghềnh, đá ngầm, đá nổi, nên bè mảng, tàu thuyền chỉ đi lại được trên đoạn hạ lưu dài khoảng 90km.
Mai một những làng chài
Làng Chành là điểm cư dân cuối cùng nằm bên hữu ngạn trước khi sông Chu gặp sông Mã. Xa xưa, đây là một làng chài. Nhưng ngày nay, nguồn thuỷ sản ngày một cạn kiệt do cách đánh bắt tận diệt từ các đoạn thượng nguồn bằng kích điện và bằng cả chất nổ, nên nghề cá gần như đã mai một. Trai tráng làng Chành giờ đây trở thành nhân công công nhật cho các chủ sà lan hút cát, cả có phép lẫn không phép, từ thành phố Thanh Hoá kéo lên. Thời điểm chúng tôi đến đây, ngành quản lý tài nguyên Thanh Hoá đang có đợt kiểm tra gắt gao, nên sà lan hút cát ngưng hoạt động, về neo đậu chật cả bến sông làng Chành.
Chúng tôi tiếp xúc với một người hiếm hoi của làng còn đeo bám theo nghề hạ bạc, là anh Trần Văn Tình. Cha anh Tình trước kia cũng sống bằng nghề này. Từ nhỏ anh Tình đã theo cha đi thả lưới, thả câu trên sông. Lớn lên lập gia đình, vợ chồng anh đêm đêm vẫn theo sông thắp đèn, thả lưới với chiếc thuyền bé nhỏ. Con cá ngoài tự nhiên càng ngày càng ít nên anh Tình tạo thêm ba chiếc bè lồng nhỏ để nuôi thêm, nhưng mùa này cá không chịu lớn vì nước sông ô nhiễm.
Ngã ba sông Chu và sông Mã hợp lưu có tên là ngã ba Giàng
Dấu ấn danh nhân
Đầu làng Chành có ngọn núi nhỏ, có tên là núi Vồm. Đỉnh núi có ngôi chùa cùng tên. Theo các bậc kỳ lão trong làng, chùa này đã có từ ngàn năm. Xa xưa chùa là ngôi miếu cổ thờ thần mặt trời theo tín ngưỡng đa thần của người Việt cổ. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo trở nên thịnh hành ở nước ta thì cổ miếu đã biến ra thành ngôi chùa thờ Phật. Núi Vồm còn có tên chữ là núi Bàn A, trung tâm của Bàn A thập cảnh. Vì là một ngôi làng có vị trí, cảnh đẹp từ xa xưa nên núi Vồm đã lưu dấu bước chân nhiều bậc thi nhân, vua chúa. Lê Hiến Tông là người đầu tiên khắc thơ trên vách núi. Chúa Trịnh Sâm, một vị chúa lừng danh và cũng là một nhà thơ lớn cũng đã đến đây làm thơ về núi, về chùa. Đứng từ núi Vồm nhìn phía nào cũng thấy sông nước núi non hùng vĩ. Phía nam là núi Nưa, nơi Bà Triệu khởi nghĩa; phía đông là dãy Đông Sơn 99 ngọn huyền thoại. Năm 1960, tại cánh đồng chân núi này, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hàng ngàn hiện vật được làm từ đá bazan, bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, với các loại hình như: rìu tay, công cụ chặt thô, mảnh tước... Dựa vào loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ đá, một số nhà nghiên cứu cho rằng, núi Đọ là di chỉ xưởng chế tác công cụ của cư dân sơ kỳ thời đại đá cũ, có niên đại cách ngày nay khoảng 30 ngàn năm. Xung quanh núi Đọ còn phát hiện được các địa điểm: Quan Yên và núi Nuông cùng chung tính chất và niên đại, từ đó xác lập một “Phức hệ núi Đọ” hay một “Văn hoá núi Đọ” sơ kỳ đá cũ, tiêu biểu cho giai đoạn bình minh của lịch sử Việt Nam ở lưu vực sông Mã.
Từ điểm hợp lưu này, xuôi tiếp hơn 6km nữa, sông Mã sẽ về đến thành phố Thanh Hoá, nơi có cầu Hàm Rồng nổi tiếng nối liền đôi bờ trên con đường thiên lý Bắc –Nam. Bên cầu, dưới chân núi Rồng là làng cổ Đông Sơn, địa điểm đầu tiên tìm thấy được chiếc trống đồng, từ đó phát hiện ra cả một nền văn hoá cổ xưa rực rỡ của người Việt cách nay hơn 3.000 năm...
BÀI: NGUYỄN TRỌNG TÍN
ẢNH: TRẦN VIỆT ĐỨC
 

Rau Ma

Administrator
Đây là dòng phụ lưu lớn nhất của con sông Mã. Điểm hợp lưu của hai con sông lớn nhất xứ Thanh này là ngã ba Giàng, còn gọi là ngã ba Bông.

Ngã ba sông Chu và sông Mã hợp lưu có tên là ngã ba Giàng


Từ điểm hợp lưu này, xuôi tiếp hơn 6km nữa, sông Mã sẽ về đến thành phố Thanh Hoá, nơi có cầu Hàm Rồng nổi tiếng nối liền đôi bờ trên con đường thiên lý Bắc –Nam. Bên cầu, dưới chân núi Rồng là làng cổ Đông Sơn, địa điểm đầu tiên tìm thấy được chiếc trống đồng, từ đó phát hiện ra cả một nền văn hoá cổ xưa rực rỡ của người Việt cách nay hơn 3.000 năm...
Đoạn này tác giả có chút nhầm lẫn, ngã ba Giàng (ngã ba Đầu) và ngã ba Bông là 2 địa điểm hoàn toàn khác nhau, cách nhau khoảng 8km. Làng Giàng thuộc xã Thiệu Dương (Huyện Thiệu Hóa, nay thuộc Tp.Thanh Hóa), còn làng Đầu thuộc xã Hoằng Giang (Huyện Hoằng Hóa). Ngã ba Giàng (ngã ba Đầu) là nơi sông Chu hòa vào sông Mã.
Ngã ba Bông cũng là một địa danh nổi tiếng, có đền thờ cô ba Bông, là nơi sông Mã tách nhánh tạo thành sông Lèn, điều đặc biệt nhất đây chính là nơi giao nhau của 6 huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa (Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định) - nơi mà 1 con gà gáy cả 6 huyện đều nghe.
 

Facebook Comment

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top