Giấc mơ lọc dầu Nghi Sơn

nguoiduatin

Thành viên
[Dân Việt]-Dự án Liên hợp lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn (Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 10 vừa qua, đã mở ra một “kỷ nguyên mới” cho người dân xứ Thanh.
Giấc mơ về việc hàng vạn người dân có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - văn hóa của xứ Thanh, đang hiện rõ trước mắt.
Cuộc sống mới ở khu tái định cư
Theo chân ông Mai Cao Cường - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tĩnh Gia, chúng tôi đến thăm những gia đình nhường đất cho Dự án LHDNS, nay chuyển lên khu tái định cư (TĐC).
Trong ngôi nhà cao tầng khang trang, nhiều tiện nghi đắt tiền, ông Trần Văn Kỳ (58 tuổi), niềm nở: “Gia đình tôi trước đây ở xã Hải Yến, khi chuyển lên khu TĐC này, tôi được cấp một suất đất rộng 150m2.. Do ở dưới quê, diện tích đất đai của nhà nhiều, nên được Nhà nước đền bù hơn 4 tỷ đồng. Vì thế, khi lên khu TĐC, tôi bỏ tiền mua thêm 2 suất nữa để xây nhà và dành phần cho con cái sau này. Bây giờ, vợ chồng tôi ở nhà chăm cháu, còn các con tôi đều có công ăn việc làm ổn định. Hai vợ chồng cháu đầu thì làm trong nhà máy giày da, còn cậu út đang đi lái máy xúc cho công ty san lấp mặt bằng ở Khu kinh tế Nghi Sơn. Chúng tôi thấy mừng lắm, vì cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều rồi”- ông Kỳ phấn chấn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khởi công.
Còn anh Lê Văn Tân (34 tuổi), quê từ xã Hải Hà, được chuyển lên khu TĐC, tâm sự: “Vợ chồng tôi chuyển lên đây theo bố, mẹ nên được mua thêm một suất đất để xây dựng nhà cửa. Hiện nay, vợ tôi đang đi làm ở Nhà máy Giày da ANNORA, mỗi tháng thu nhập từ 3 -3,5 triệu đồng. Còn tôi ở nhà mở hàng sửa chữa cơ khí. Trước đây ở quê, tôi cũng chỉ đi làm ruộng với bố mẹ, sau đó đi miền Nam làm ăn. Từ khi chuyển lên khu TĐC này, hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định như vậy là tốt lắm các anh ạ”.
Cùng chung tâm trạng như ông Kỳ, anh Tân, bà Lê Thị Phượng (55 tuổi), quê ở xã Hải Yến, bảo rằng: “Nhìn chung cuộc sống của đại đa số người dân lên khu TĐC mới đều sung túc hơn. Con em các gia đình ở đây đều được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí nếu đi học nghề. Ngoài ra, các cháu thanh niên không đi học mà có nguyện vọng đi làm công nhân, thì đều được tạo điều kiện vào làm công nhân giày da ở nhà máy. Các cháu đi làm mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng là tốt rồi. Với số tiền ấy, quy ra thóc thì mỗi tháng một cháu đã làm ra tới 4 tạ rồi. Nếu ở quê mà làm ra được 3- 4 triệu bạc, các cháu phải mất vài tháng chưa chắc đã có”.
…và những kỳ vọng
Khi Dự án LHLHD Nghi Sơn chính thức được khởi công vào ngày 23.10.2013, nhiều người đã ví nó sẽ như một “ngọn hải đăng” cùng tỏa sáng khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần tạo ra thế cân bằng phát triển kinh tế giữa các vùng miền. Bởi lẽ, Khu kinh tế Nghi Sơn đến thời điểm này, đã thu hút được 74 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD. Trong đó có 15 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.
Dự án LHLHD Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, Dự án LHLHD Nghi Sơn có công suất chế biến khoảng 10 triệu tấn dầu/năm (tương đương 200.000 thùng dầu/ngày)… Thời gian thực hiện hợp đồng EPC 40 tháng, dự kiến vận hành thương mại vào quý I/2017.
"Để nhường đất cho Dự án LHLHD Nghi Sơn nói riêng và Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung, đã có hàng nghìn hộ gia đình, hàng vạn người dân phải di dời đến nơi ở mới. Vì vậy, cần phải lo cho dân khi đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi cũ, có công ăn, việc làm ổn định lâu dài...”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Còn nhớ, vào thời điểm khởi công, ông Mai Văn Ninh- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa xúc động nói: “Đây là cột mốc quan trọng đối với LHLHD Nghi Sơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, niềm vui lớn, niềm mong đợi với biết bao kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Rồi đây, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giúp cho đời sống của hành vạn đồng bào xứ Thanh trở nên sung túc hơn, xán lạn hơn”.
Cũng ngày khởi công Dự án LHLHD Nghi Sơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: “Để nhường đất cho Dự án LHLHD Nghi Sơn nói riêng và Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung, đã có hàng nghìn hộ gia đình, hàng vạn người dân phải di dời đến nơi ở mới. Vì vậy, cần phải lo cho dân khi đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi cũ, có công ăn, việc làm ổn định lâu dài...”.
Để thực hiện được như Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Thanh Hóa đã, đang dồn hết tâm, trí, lực vào những vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người dân đã nhường đất cho dự án. Theo thống kê của ngành chức năng cho thấy, dân số của Khu kinh tế Nghi Sơn là trên 80.000 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khoảng 43.000 người (chiếm 54%).
Phần lớn là lao động trẻ, có trình độ văn hóa được phổ cập giáo dục tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật và đào tạo thành lao động có tay nghề cao. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đưa ra chính sách ưu tiên hàng đầu cho con em các hộ dân thuộc diện TĐC, nếu tham gia các lớp học đào tạo nghề, để sau này phục vụ nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Và, hiện nay tỉnh Thanh có hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế. Đây là nguồn lao động tiềm năng, sẵn sàng về Khu kinh tế Nghi Sơn để lao động xây dựng quê hương.
Trong tương lai gần, Dự án LHLHD Nghi Sơn sẽ mang đến kỳ vọng mới, một “kỷ nguyên mới”, không chỉ đột phá về tăng thu ngân sách cho Thanh Hóa hàng năm, mà còn tạo cơ hội việc làm cho hàng vạn người dân xứ Thanh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế Lượng
 

Facebook Comment

Người đăng Chủ đề tương tự Forum Trả lời Ngày
Phong Kham 400 Y tế - Sức khỏe 0

Chủ đề tương tự

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top