Tp.Thanh Hóa Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng - Điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh

nemchua

Thành viên
Điểm du lịch văn hóa Đặc biệt của xứ Thanh
Hàm Rồng là vùng đất được kiến tạo sau đợt biển lùi vào kỷ đệ tứ cách ngày nay khoảng 2 triệu năm. Địa hình đồng bằng có nhiều đồi núi sót và sông Mã chảy qua, đã tạo nên cảnh đẹp kỳ vĩ cho vùng đất này. Nơi đây sông, núi, ruộng đồng, làng mạc hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh “Sơn thủy hữu tình”.


Một số điểm đến trong khu du lịch - văn hóa Hàm Rồng. Ảnh: Trần Đàm
Đứng đầu cầu Hàm Rồng (phía Nam) chúng ta nhìn thấy dãy núi Đông Sơn-Hàm Rồng (còn gọi là núi Trường, núi Long Hạm) được dân gian truyền tụng có tới 99 ngọn vừa núi đá và núi đất bắt nguồn từ làng Dương Xá (huyện Thiệu Hóa nay là TP Thanh Hóa) kéo dài nhấp nhô như rồng thiêng uốn khúc theo dọc bờ sông Mã, khi về đến vùng đất Hàm Rồng thì một ngọn núi cao vọt tựa như đầu rồng nhô lên, dân địa phương gọi là núi Đầu Rồng, Mắt Rồng hay núi Hộc Ga. Từ xưa, nhân dân vùng này với trí tưởng tượng phong phú đã đặt tên cho hàng chục ngọn núi như: Đầu Rồng, Cửa Roỏng (năm 1965 gọi là Đồi C4), Con Công, Văn Chỉ, Đồng Thông, Mã Yên, Con Mèo, So Đũa, Cánh Tiên v.v… Đó là 99 ngọn núi bên Đông, còn một ngọn núi nằm riêng lẻ đối diện với núi Đầu Rồng (qua sông Mã) là núi Ngọc (Hỏa Châu Phong) được dân gian coi như đứa trẻ đi chơi qua sông chưa kịp về, nên đặt là núi Nít. Xưa kia núi Nít vốn cùng chung sơn hệ với dãy Đông Sơn, do sự biến động địa chấn: sông Mã đổi dòng đã tách núi Nít đứng một mình bên sông, như văn học dân gian đã diễn tả:

“Chín mươi chín ngọn bên Đông
Còn ngọn núi Nít qua sông chưa về”…

Những ngọn núi nói trên đã tạo nên nhiều hang động kỳ thú, góp phần quan trọng tạo dựng vùng đất Hàm Rồng trở thành một vùng thắng tích nổi tiếng.

Hàm Rồng là một vùng đất cổ, trong đó có làng cổ Đông Sơn đã quy tụ và tiếp nối với một loạt di chỉ khảo cổ học: Hậu kỳ đồ đá, sơ kỳ đồ đồng, thời kỳ đồng thau và sắt sớm. Các di chỉ khảo cổ học này đã mang tên làng cổ Đông Sơn, được các nhà khảo cổ học thế giới mệnh danh là Văn hóa Đông sơn - một nền văn hoá phát triển rực rỡ của người Việt cổ, phân bố trên diện rộng và là đỉnh cao của thời đại các Vua Hùng (cách ngày nay khoảng trên 2000 năm trước Công nguyên).

Về các di tích lịch sử nơi đây, du khách có thể tìm hiểu cầu Hàm Rồng, một chiếc cầu treo hình bán nguyệt (còn gọi là cầu hình nửa vầng trăng). Năm 1901, người Pháp đã cho xây dựng cầu Hàm Rồng - đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Chiếc cầu sắt treo lơ lửmg trên dòng sông Mã nối liền núi Rồng và núi Ngọc, đã tạo cho nơi đây một bức tranh tuyệt tác.

Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính phủ đã cho phá cầu Hàm Rồng, thể hiện quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta.

Năm 1962, cầu Hàm Rồng được xây dựng lại, với thiết kế cầu trụ, rộng 17m, dài 160m. Đứng trước cầu Hàm Rồng mới “chiếc cầu trụ kỳ diệu”, nhà thơ Trinh Đường với lòng tự hào đã viết nên những vần thơ: Biết phá, biết xây, nên ta biết giữ/ Một công trình cho cả nước ta đi.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hàm Rồng với lưới lửa phòng không dày đặc đã bắn rơi 117 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều phi công. Sức sống kỳ diệu của chiếc cầu làm nức lòng nhân loại, khiến bạn bè năm châu kính phục. Các đoàn khách quốc tế đến đây đã ca ngợi cầu Hàm Rồng như một “thần thoại phi thường”, là đài chiến thắng, là chiếc cầu “đẹp nhất” trong những chiếc cầu…

Từ chân cầu Hàm Rồng (phía bờ Nam) đi theo hướng Tây khoảng hơn 50m, phía bên phải có con đường mòn lên núi - đó là hang Mắt Rồng (động Long Quang). Động nằm trong ngọn núi cuối cùng của dãy Long Hạm. Vua Lê Thánh Tông, lên thưởng ngoạn vào ngày 22 tháng 2 (âm lịch), năm Hồng Đức thứ 7 (1476) có làm thơ khắc vào vách đá (đến nay vẫn còn).

Rời động Long Quang chúng ta trèo lên núi Mướn thăm động Tiên Sơn. Ở đây chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những kiệt tác của tạo hóa, với nhũ đá rủ xuống thành nhiều hình thù rất đẹp. Đến đây, du khách như lạc vào cõi Phật với hình Phật tổ Như Lai, Phật bà nghìn mắt nghìn tay đang toạ thiền bên gốc cây bồ đề, bà chúa Thượng Ngàn, rồi cảnh Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới đưa thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh…

Ở làng cổ Đông Sơn, chúng ta có thể đến thăm chùa Phạm Thông, chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII. Thăm đền Đức Thánh Cả Lê Uy - đây cũng là nơi thờ vọng tướng quân Trần Khát Chân. Đến làng Nam Ngạn thăm đình làng - nơi thờ đức Thành hoàng làng Chu Văn Lương (Người đã tham gia hội nghị Diên Hồng năm 1285)

Đầu làng Nam Ngạn (phía ngoại đê sông Mã) có đài tưởng niệm hơn 100 học sinh, sinh viên Trường Y và Trường Sư phạm Thanh Hoá đã hy sinh trong trận mưa bom của giặc Mỹ ngày 14/6/1972 khi đang làm nhiệm vụ đắp đê sông Mã. Từ tượng đài này dọc lên đến chân cầu Hoàng Long, chúng ta chiêm ngưỡng và vãn cảnh khu du lịch sinh thái - với cây xanh, bãi cỏ đẹp, khu vui chơi giải trí và đứng vịn lan can ngắm nhìn dòng sông Mã trong xanh. Ở đây còn có tầu thủy du lịch đưa du khách thăm vùng hạ lưu sông Mã tới tận Hải Án, Cửa Hới, Sầm Sơn. Ngồi trên boong tàu du khách tha hồ ngắm trời, mây, non, nước thơ mộng và thưởng thức ẩm thực xứ Thanh.

Nếu từ Quảng trường Hàm Rồng, rẽ tay phải đi lên sườn núi (khoảng 600m) là di tích lịch sử Đồi C4 anh hùng (đại đội 4, trung đoàn 88). Cạnh chân đồi C4 là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Hóa. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với không gian đẹp, hoành tráng, nhưng vẫn có nét tĩnh mịch của chất thiền viện.Tại chính điện: tượng Phật Thích Ca ở giữa, hai bên là Bồ Tát Vân Thù cưỡi sư tử, tay cầm kiếm - tượng trưng cho trí tuệ. Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi - tượng trưng cho hạnh nguyên (hạnh từ bi và hạnh nhẫn nhục). Cả ba tượng này đều làm bằng đá cẩm thạch, với những phiến đá nguyên khối nặng hàng chục tấn. Phía trên các cửa sổ và cửa ra vào là các bức tranh phù điêu miêu tả đức Phật từ khi đản sinh đến khi nhập Niết bàn.

Theo đường lớn đi hướng Đình Hương, chúng ta sẽ bắt gặp Giếng Tiên. Theo các cụ cao niên ở vùng này thì giếng đã có từ rất lâu đời. Không hiểu Giếng Tiên là giếng để Tiên tắm hay tắm nước giếng này sẽ thành tiên? Chỉ biết rằng nước ở giếng này không bao giờ cạn, vì nước được lọc từ núi đá ngấm ra. nước trong vắt, mắt thường cũng có thể nhìn thấy đáy. Từ Giếng Tiên leo lên lưng chừng núi (núi Cánh Tiên) ta sẽ thưởng ngoạn một công trình nguy nga, đồ sộ - với kiến trúc mái cong (kiểu dáng đền) - đó là Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ nhằm tri ân những người có công với dân, với nước.

Nếu muốn thư giãn, du khách đến Hồ Kim Quy (làng Đông Sơn). Đây là hồ tự nhiên, bên cạnh các dãy núi đá có các hang động kỳ thú, Hồ Kim Quy đã trở thành khu vực du lịch sinh thái lý tưởng, với núi bao quanh, với hồ rộng lớn, bên cạnh những vạt lúa xanh rờn. Tại hồ này, du khách có thể bơi thuyền, câu cá thư giãn và thưởng thức các món “đặc sản dê” - loại ẩm thực độc đáo của làng cổ Đông Sơn…

Chỉ từng ấy thôi, cũng đủ vẽ nên một bức tranh Hàm Rồng – Một địa danh lịch sử, văn hóa đặc biệt của xứ Thanh. Hàm Rồng đang vẫy gọi du khách không những ở mọi miền đất nước, mà còn vẫy gọi con người ở cả bốn bể năm châu về đây thưởng ngoạn.
Trương Thìn [Văn hóa & Đời sống]
 

Facebook Comment

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top