Khu Kinh tế Nghi Sơn-Công trình nối tiếp công trình

nguoiduatin

Thành viên
Khu Kinh tế Nghi Sơn-Công trình nối tiếp công trình
Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn.
(THO) - Nghi Sơn – vùng đất nơi đầu sóng, ngọn gió phía cực Nam của Thanh Hóa, từng được nhiều chuyên gia kinh tế ví rằng, như con rồng đang say giấc.
Gần hai mươi năm trước (năm 1996), đoàn chuyên gia thuộc Viện phát triển kinh tế Nhật Bản (JICA) khảo sát đã nhận định: nằm ở cuối phía Nam bờ biển Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu. Sau khi xây dựng một nhà máy xi - măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp sẽ cho phép Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và Việt Nam, là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc. Đến giữa năm 2006, khi các yếu tố thuận lợi được hội đủ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15-5-2006 về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), với tổng diện tích 18.611,8 ha trên phạm vi 12 xã phía Đông Nam của huyện Tĩnh Gia.
Còn với người Nhật Bản, không chỉ tiên đoán, họ đã xây dựng nơi đây cơ sở công nghiệp đầu tiên của KKTNS – Nhà máy Xi - măng Nghi Sơn. Không chỉ mang đến dự án FDI lớn nhất của Nhật Bản đến Việt Nam thời bấy giờ, người Nhật Bản còn mang đến Nghi Sơn một công trình mang tầm vóc thế kỷ, được đánh giá mô hình kiểu mẫu cho hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tháng 7-2000, Nhà máy Xi - măng Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động. Sau hơn 10 năm, Công ty Xi - măng Nghi Sơn đã sản xuất và tiêu thụ hơn 30 triệu tấn xi - măng chất lượng cao, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Năm 2013, Nhà máy Xi - măng Nghi Sơn đã sản xuất vượt công suất, đạt 4,38 triệu tấn; trong đó xuất khẩu 1 triệu tấn xi – măng.
Đến nay thì KKTNS đã mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Họ đến, mang theo kinh nghiệm và trí tuệ của một đất nước công nghiệp hàng đầu thế giới để giúp Thanh Hóa đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH. Những công trình công nghiệp trọng điểm của KKTNS hiện nay, đều có dấu ấn đậm nét của Nhật Bản. Đó là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I với tổng mức đầu tư 900 triệu USD, chủ yếu bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Tổ hợp nhà thầu chính của dự án cũng do Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đứng đầu. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao độ của chủ đầu tư và các nhà thầu, tổ máy 1 của nhà máy đã hoàn thành lắp đặt hệ thống tuabin máy phát, hòa đồng bộ, vận hành chạy thử với công suất đạt 300 MW và hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật. Tổ máy 2 đã hoàn thành lắp đặt hệ thống tuabin máy phát, hòa đồng bộ và đốt than lần đầu, dự kiến chạy tin cậy vào ngày 5-2-2014. Niềm tin được xây dựng, Tập đoàn Marubeni tiếp tục được lựa chọn là chủ đầu tư Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, trong đó Marubeni bố trí 50% vốn vay ODA và Kepco (Hàn Quốc), bố trí 50% vốn đầu tư.
Hơn hết, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), giàu kinh nghiệm trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dầu khí đã đóng góp lần lượt 35,1% và 4,7% vốn đầu tư vào dự án lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này – Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Không chỉ những nhà đầu tư Nhật Bản ghi dấu ấn, KKTNS và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang dần được khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh, thực sự là cơ hội, là điểm đến thành công của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những nhà đầu tư chiến lược quốc tế đã có mặt tại KKTNS và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đó là: Nhật Bản, Cô-oét, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Đài Loan... Với mỗi dự án được triển khai, KKTNS thêm một lần thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ các nhà thầu quốc tế, là cơ hội để hợp tác, chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ sản xuất một cách thiết thực nhất. Bên cạnh đó, KKTNS cũng đang là điểm đến của những nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như: Tập đoàn Công Thanh với Dự án Nhà máy Xi-măng Công Thanh, Nhiệt điện Công Thanh, Cảng chuyên dụng Công Thanh; Công ty CP Gang thép Nghi Sơn với Dự án Nhà máy Thép Nghi Sơn, Cảng quốc tế Gang thép Nghi Sơn và Dự án Tổ hợp dịch vụ KKTNS; Công ty TNHH Đầu tư Minh Quang với dự án Bến cảng Container Minh Quang; Công ty CP Tập đoàn T&T với Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân... Đến nay, KKTNS đã thu hút được 74 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 93.000 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 12,1 tỷ USD.
Có được kết quả trên là do Chính phủ Việt Nam đã ban hành và cho áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhất dành cho các nhà đầu tư tại KKTNS. Phát triển KKTNS là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa; vì vậy, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang ưu tiên dành nguồn lực cao nhất cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của KKTNS, như các công trình: bến cảng, đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu, các trục giao thông chính, hệ thống cấp nước, cấp điện, các khu tái định cư... Công tác giải phóng mặt bằng đã và đang được tỉnh Thanh Hóa thực hiện với quyết tâm cao và cam kết bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, đến với KKTNS, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một đầu mối” nhanh chóng và thuận lợi.
Theo đánh giá của Ban Quản lý KKTNS, những dự án đang hoặc chuẩn bị triển khai xây dựng, đã và đang góp phần thúc đẩy KKTNS nhanh chóng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Bức tranh công nghiệp hóa đang dần được hoàn thiện. KKTNS, nơi công trình lại nối tiếp công trình.
.Bài và ảnh: Phạm Ngọc
 

Facebook Comment

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top