Tp.Thanh Hóa Quảng Yên, Quảng Xương- Tiềm năng Nước Nóng cần được quảng bá và khai thác...

VietBacthol

Thành viên mới
Cả làng đua nhau... khoan giếng

Nhiều hộ dân mở dịch vụ tắm nóng.
(LĐĐS) Câu chuyện cả làng khoan giếng và tìm ra nguồn nước nóng được người dân xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa hồ hởi kể lại như một món quà “trời ban”.
Chuyện bắt đầu từ thời điểm năm 1997, khi ấy, xã Quảng Yên nhận được sự hỗ trợ của chương trình dự án nước sạch do UNICEF tài trợ. Trong khi khoan giếng, một trong số những hộ dân của xã đã tình cờ phát hiện ra nguồn nước nóng với nhiệt độ trên 40 độ C ở độ sâu 50m dưới lòng đất.


Câu chuyện khoan giếng nước nóng được bà con trong xã bàn tán rầm rộ và họ thi nhau khoan giếng mong tìm được nguồn nước nóng như hộ gia đình may mắn kia. Chuyện lạ là sau đó có rất nhiều hộ, thậm chí ở các làng khác nhau, đã khoan được các giếng nước nóng với nhiệt độ từ 38 - 40 độ C.

Trong căn nhà khang trang rộng thoáng, ông Nguyễn Văn Kinh (50 tuổi, thôn Chín Cảnh), người dân đầu tiên khoan được giếng nước nóng kỳ lạ, hồ hởi kể: Nhà ông mua đất từ năm 1987, khi đó mảnh đất gia đình ông đang ở là khu đồng ruộng hoang vu, nước sinh hoạt chủ yếu là nguồn nước mưa. Đến năm 1999, do nhu cầu phát triển kinh tế, chăn nuôi cũng như mong muốn sử dụng được nguồn nước ngầm thay cho việc phải phụ thuộc vào nước mưa, gia đình đã quyết định đầu tư khoan giếng.

Ông Kinh nhớ rõ, khi đó do địa hình là vùng thấp, sợ ảnh hưởng của nguồn nước mặt nên ông quyết định khoan ở độ sâu trên 50m (bình thường khoan hơn 20m là có nước), khoan được khoảng 48m thì gặp phải một tầng đá ong pha cát vàng, qua tầng đá ong thì bất chợt một nguồn nước nóng trong suốt với khói nghi ngút trào lên khỏi mặt đất (cao hơn 2m) khiến tất cả những người có mặt khi ấy không khỏi ngạc nhiên.

Thời gian sau đó, nhiều người dân hiếu kỳ đổ xô đến xem, lấy nhiệt kế đo thử thì thấy nước có nhiệt độ trên 41 độ C, nguồn nước ổn định, không có mùi tanh như các giếng nước đào, để lâu nước không biến màu, nổi váng… Cũng từ đó, ý tưởng mở dịch vụ tắm nóng được ông Kinh đầu tư triển khai. Ông cho biết, do sức nước đẩy lên từ mạch nước ngầm lên giếng khoan rất mạnh nên việc lắp máy bơm tay cũng gặp không ít khó khăn, ông phải đổ bêtông xung quanh, sau đó mới có thể đặt ống và lắp máy.


Ông Ngô Minh Xuyến (49 tuổi, thôn Chín Cảnh) bên giếng khoan có nguồn nước nóng.
“Cũng năm ấy, tôi đầu tư xây dựng 25 phòng tắm, phòng nào cũng được trang bị bể tắm. Do nước mới bơm lên rất nóng nên phải qua một bể chứa tổng rồi mới dẫn đến các phòng tắm để giảm bớt nhiệt độ. Người dân trong và ngoài tỉnh tấp nập tìm đến để được tắm nước nóng từ lòng đất. Mọi người đến từ rất sớm, ai cũng phải xếp hàng, nhận vé, chờ đến lượt. Thời điểm năm 2002, phí cho mỗi lần tắm là 2 nghìn đồng/người, đến nay là 10 nghìn đồng/người, chủ yếu khách đến tắm vào khoảng từ tháng 11 âm lịch trở đi, khi tiết trời lạnh”, ông Kinh cho biết.

Thấy hình thức mở dịch vụ tắm nóng có hiệu quả và có thêm nước sinh hoạt để dùng, nhiều hộ dân cũng đầu tư khoan giếng, có hộ khoan được, có hộ ngậm ngùi thất vọng. Tính đến nay, số hộ khoan được giếng nước nóng là trên 20 hộ ở 3 thôn khác nhau. Đó là các thôn Chín Cảnh, Yên Trung và Vực 2, chủ yếu là mở dịch vụ tắm nóng, riêng tại thôn Chín Cảnh có 54 hộ dân thì có 8 hộ khoan được giếng nước nóng. Tuy nhiên, một phần do chưa được quảng bá, phần nữa là chưa có kết luận đánh giá chính thức về tác dụng của việc tắm nước nóng tự nhiên cho sức khoẻ con người…, nên du khách đến đây chưa đông, dẫn đến hiệu quả khai thác dịch vụ không cao.

Dẫn khách đi thăm dãy phòng tắm nóng được trang bị tiện nghi đầy đủ, chuẩn bị cho “mùa tắm nóng”, ông Kinh cho biết: Cũng như gia đình ông, các hộ mở dịch vụ tắm nóng đa số đều đầu tư từ 10 phòng tắm nóng trở lên. Mỗi phòng được trang bị bể tắm, hệ thống đường ống, điện chiếu sáng… Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động, dịch vụ phòng tắm chỉ đem lại hiệu quả kinh tế vài năm đầu rồi dần dần vắng khách. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự quảng bá, sự quan tâm của cấp ngành chức năng, cũng như các hoạt động dịch vụ khác (ăn, ở, nghỉ dưỡng…) hầu như không hấp dẫn và không đáp ứng nhu cầu du khách.

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên bật mí: UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng, tắm nóng, tắm bùn của Công ty TNHH Hải Đăng Thanh Hoá tại thôn Chín Cảnh, xã Quảng Yên với diện tích 70.634m2, gồm nhiều hạng mục như: Khu núi nhân tạo tắm nóng, tắm bùn; khu công viên giải trí, nghỉ dưỡng; khu hồ cầu cá; hệ thống các nhà hàng; khu vực sân đường nội bộ và khuôn viên cây xanh… với tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng. Dự án này có vị trí cách TP.Thanh Hoá khoảng 5km, nằm ngay bên Quốc lộ 45 đi các huyện miền núi Như Thanh, Như Xuân…, hứa hẹn sẽ tạo ra một điểm du lịch mới hấp dẫn cho xứ Thanh nói chung và cuộc sống của người dân Quảng Yên nói riêng.
 

Facebook Comment

Chủ đề được quan tâm nhất

Top