• Lưu ý đọc kỹ nội quy trước khi đăng bài để tránh bị bannick, xóa bài. Xem hướng dẫn đăng bài và tính năng UP tin miễn phí
  • Thông báo về việc đăng bài & đăng ký thành viên áp dụng tại thread Hot news, Projects & Developments
    - Phải đăng ký thành viên mới có thể đăng bài tại thread này.
    - Nếu gặp khó khăn khi đăng ký, vui lòng liên hệ qua email : thanhhoaonline.net@gmail.com để được hỗ trợ đăng ký và kích hoạt tài khoản.

Thanh Hóa - Một Việt Nam thu nhỏ

News.THOL

Thành viên
Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều đặc điểm riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có. Đó là những giá trị khác biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh.
"Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là làm thế nào để đời sống người dân, đặc biệt là nông dân từng bước được cải thiện; bởi vì nông dân đang phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (ảnh) tâm sự trong cuộc trò chuyện với nhóm PV Báo NNVN nhân dịp đầu năm mới.

"Việt Nam thu nhỏ"
Là một tỉnh đất rộng người đông, theo ông, Thanh Hóa có lợi thế gì trong phát triển kinh tế - xã hội?
Đúng như các anh nói, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông với diện tích tự nhiên 11.116 km2, đứng thứ 5 cả nước; dân số gần 3,5 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều đặc điểm riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có. Đó là những giá trị khác biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh; thể hiện ở những điểm chủ yếu như sau:
Thứ nhất, Thanh Hoá có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có cửa khẩu quốc tế với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh Bắc Lào; có Cảng hàng không Thọ Xuân với đường bay Thanh Hóa - TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Ma Thuột và đang xúc tiến để mở thêm đường bay Thanh Hóa - Đà Nẵng.
Thứ hai, Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái và được chia thành 3 vùng rõ rệt: trung du - miền núi, đồng bằng và ven biển tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ. Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại trữ lượng lớn, đặc biệt là có mỏ Cromit duy nhất ở Việt Nam; tiềm năng đất đai đa dạng, thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, nhất là các loại nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như: lúa, ngô, mía đường, cao su, sắn, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc; sản phẩm lâm sản khá phong phú, đặc biệt là trữ lượng cây tre, luồng lớn nhất cả nước (khoảng 70 nghìn ha). Tỉnh còn có vùng lãnh hải rộng lớn, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Thứ ba, Thanh Hóa có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương; đặc biệt có Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích khảo cổ học hang Con Moong đang đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới, di tích đền Bà Triệu đang lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tỉnh còn có các bãi biển đẹp như: Biển Sầm Sơn, một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam được người Pháp phát hiện vào năm 1906, các khu du lịch sinh thái Quảng Cư, Nam Sầm Sơn, khu di lịch biển Hải Tiến, biển Hải Hòa đang được đầu tư, phát triển... Có thể nói Thanh Hóa có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh.
Thứ tư, Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào và đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 2,1 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối cao. Tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng và trên 95 trường, cơ sở dạy nghề; là một trong 4 tỉnh, thành phố của cả nước có số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; hằng năm có gần 20.000 sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và khoảng 11.000 lao động được đào tạo ở các trường dạy nghề. Đây là lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao.
Thứ năm, Thanh Hóa có Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam được Chính phủ ưu tiên đầu tư cao nhất, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất trong cả nước.
Đây là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, đường bộ, đường thủy, đặc biệt là Cảng nước sâu Nghi Sơn. Tại đây, hiện có rất nhiều dự án lớn, quan trọng đang được triển khai thực hiện; trong đó lớn nhất là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Hiện nay, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang điều chỉnh mở rộng quy hoạch từ 18.000 ha lên 66.000 ha, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thương mại, dịch vụ liên quan, tạo ra môi trường đầu tư và môi trường sống hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thanh Hóa có các khu công nghiệp tập trung đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh gồm: KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Lễ Môn, KCN Hoằng Long. Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hoá, để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hoá đang tập trung xây dựng KCN Lam Sơn - Sao Vàng thành khu liên hợp công - nông nghiệp, gắn với đô thị du lịch dịch vụ hiện đại, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha, định hướng trong tương lai sẽ cùng với Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh.
Giải bài toán miền Tây
Như ông nói, Thanh Hóa là tỉnh đa dạng về vùng miền. Theo ông, giải pháp đề ra như thế nào để miền Tây Thanh Hóa, vùng hiện còn nhiều khó khăn, có thể tiến kịp với vùng đồng bằng?
Miền Tây Thanh Hóa có diện tích trên 8.000 km2, bằng 2/3 diện tích cả tỉnh; dân số khoảng 1,1 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số cả tỉnh. Đây là một trong những khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí và đời sống của người dân các huyện miền Tây Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng núi cao, biên giới. Để từng bước giải quyết tình hình này, trong nhiều nhiệm kỳ qua; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực miền núi. Gần đây nhất là BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hoá đến năm 2020; trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, các cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo; khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; đấu tranh với những biểu hiện không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước.
Hai là, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi, các huyện; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng NTM... đảm bảo tính thống nhất liên vùng, liên huyện và giữa các quy hoạch, khai thác lợi thế so sánh của từng huyện phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ba là, đẩy mạnh phát triển SX trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của miền núi nhằm cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người nghèo; trong đó: - Về phát triển nông, lâm, thuỷ sản: Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến “căn bản” tình trạng SX khai thác tự nhiên, độc canh, tự cấp, tự túc là chủ yếu sang SX có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, gắn SX với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, để kinh tế nông nghiệp miền núi từng bước phát triển theo hướng SX hàng hóa. - Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Phải chú trọng và ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời, thu hút một số cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da đầu tư ở miền núi. Tiếp tục phát huy tối đa công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có như: thủy điện, mía đường, tinh bột sắn, mủ cao su, chế biến gỗ, luồng, khai thác chế biến khoáng sản, SX vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời, thu hút và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp có quy mô lớn đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn.
Bốn là, tập trung nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và các lĩnh vực y tế, văn hóa; bài trừ các tệ nạn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cốt lõi, căn cơ nhất hiện nay, nên đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển giáo dục miền núi với rất nhiều nội dung, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó tập trung vào việc: Tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ em dưới 5 tuổi là người dân tộc thiểu số; rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp học từ mầm non tới THPT; ưu tiên tập trung dạy nghề cho nông dân, trọng tâm là dạy các nghề về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng và chế biến nông, lâm sản và một số nghề phi nông nghiệp mà xã hội có nhu cầu;... Năm là, ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ SX kinh doanh. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn, liên bản, các hồ, đập nhỏ, các công trình hạ tầng thiết yếu quy mô nhỏ theo hình thức địa phương và nhân dân cùng làm là chính; ngân sách hỗ trợ một phần theo cơ chế chung.
"Với các điều kiện của tỉnh Thanh Hóa như hiện nay; chúng tôi sẽ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng; tranh thủ thời cơ, vận hội, vị thế mới của tỉnh và với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh thì tin tưởng mong muốn trên sẽ trở thành hiện thực, Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một trong những tỉnh tiên tiến của cả nước", ông Trịnh Văn Chiến.
Tập trung cao cho tăng trưởng nông nghiệp
Trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp thì Thanh Hóa ưu tiên vấn đề gì? Vì sao?
Với nhiều dự án lớn đang được triển khai thực hiện và nguồn lực cho đầu tư phát triển hiện có, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (tổng vốn FDI khoảng 17 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước) như đã nói ở trên, thì đường hướng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa đã khá rõ.
Còn nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều khó khăn, hạn chế, như: phát triển chưa bền vững, diện tích và quy mô SX vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều vùng chưa được khai thác có hiệu quả, chưa tạo ra được sản phẩm hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao; thu nhập của nông dân còn thấp... Với một tỉnh mà có tới 2,4/3,5 triệu dân làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông thôn thì đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Vì vậy, để nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân trong tỉnh, song song với việc tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, kêu gọi thêm các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh; chúng tôi đặc biệt coi trọng việc đẩy mạnh phát triển SXNN. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm sau:
1. Tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch: quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp; vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ; quy hoạch tổng thể bố trí, ổn định dân cư... Đồng thời, rà soát và xây dựng mới các quy hoạch sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, như: quy hoạch vùng nguyên liệu mía; vùng SX rau an toàn tập trung; phát triển cây cao su; phát triển vùng cói; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quy hoạch 3 loại rừng; vùng luồng thâm canh tập trung; vùng nguyên liệu cho dự án Trung tâm trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao; phát triển bò thịt chất lượng cao; phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc;...
2. Tổ chức SXNN hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng liên kết vùng đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa và có cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ các DN, các hộ có điều kiện thuê lại đất của nông dân để phát triển SX hàng hóa tập trung quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng SX theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, phát huy mối liên kết 4 nhà, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả SX trên một đơn vị diện tích.
3. Tiếp tục tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; có năng lực, trình độ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, tạo đột phá trong SXNN, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh. Để tập trung huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh lo cho phát triển nông nghiệp; sắp tới, BCH Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững" để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân; bởi vì nông dân đang phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là mong muốn lớn nhất của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chúng tôi từ trước đến nay.

Xin cảm ơn ông!
Mai Xuân Nghiên - Văn Nguyễn (Báo Nông Nghiệp)
 

Facebook Comment

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top